Viện ATI tham gia Tọa đàm về phát triển du lịch bền vững tại Hà Giang

(ATI) – Ngày 16/1/2024, sau hành trình khảo sát và đánh giá tiềm năng điểm đến tại Hà Giang, tổ chức Helvetas, Viện Phát triển Du lịch Châu Á – ATI cùng các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã có buổi làm việc cùng với các sở ban ngành, lãnh đạo các địa phương để tổng kết và định hướng lộ trình triển khai phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng tại Hà Giang.

Trong 5 ngày trước đó, các chuyên gia Viện Phát triển Du lịch Châu Á – ATI đã đồng hành cùng các chuyên gia đến từ Helvetas, Trường Đại học Lucerne Thụy Sĩ, Nhật Bản và Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) khảo sát và đánh giá tiềm năng các điểm đến tại Quang Bình, Quản Bạ và Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) nhằm thu thập thông tin về các điểm đến để xây dựng các hoạt động hỗ trợ cụ thể.

Đối với thôn Khun (huyện Quang Bình), kết quả khảo sát sơ bộ được các chuyên gia đánh giá rằng có nhiều thuận lợi như: có nhiều tài nguyên du lịch cả văn hóa (44 dân tộc) và tự nhiên (phong cảnh, rừng nguyên sinh, hang động) hấp dẫn, phù hợp với nhiều loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hay du lịch nông nghiệp. Thôn Khun đã có 5 hộ làm du lịch và homestay, cung cấp một số dịch vụ cơ bản cho khách. Bên cạnh đó, thôn đã có ban chỉ đạo du lịch cấp huyện và BCĐ du lịch cấp xã, có hợp tác xã du lịch, đã có quy chế quản lý du lịch cấp thôn, đã có một số chính sách hỗ trợ cho thôn từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Cộng đồng và chính quyền địa phương mong muốn và cam kết tham gia phát triển du lịch; ban đầu đã có liên kết với doanh nghiệp du lịch và đơn vị truyền thông.

Tuy nhiên, thôn Khun còn hạn chế như: hạ tầng tiếp cận vào thôn còn khó khăn, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống (nhà truyền thống) cũng như dịch vụ du lịch còn cần phải hoàn chỉnh nhiều. Các dịch vụ du lịch đã bước đầu hoàn thiện nhưng còn cần chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đối với dịch vụ du lịch, đặc biệt là cho khách du lịch quốc tế.

Một số đề xuất ban đầu được các chuyên gia đưa ra nhằm phát triển du lịch bền vững cho thôn Khun như: đầu tư chỉnh trang đường xá trong thôn để tiếp cận dễ dàng hơn; quản lý tốt và khuyến khích cộng đồng bảo tồn và xây dựng mới nhà ở theo kiến trúc truyền thống; xây dựng cảnh quan, tổ chức các sự kiện tạo sự khác biệt cho điểm đến; chú trọng nhiều hơn vào việc đầu tư vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch như nhà vệ sinh, chăn ga gối đệm, hướng dẫn du lịch, các chương trình tham quan… Đồng thời, truyền thông và xây dựng thương hiệu thôn Khun như một điểm đến cửa ngõ hoặc điểm đến kết thúc của du lịch Hà Giang; quản lý tốt sức chứa, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp để phát triển bền vững.

Đối với thôn Lùng Hẩu (huyện Quản Bạ), các chuyên gia đánh gia rằng có nhiều thuận lợi về tài nguyên du lịch: Bản người H’Mông với 118 hộ còn bảo tồn được bản sắc văn hóa (kiến trúc nhà truyền thống, chợ phiên, nghề truyền thống tre đan) và khí hậu, cảnh quan tự nhiên hấp dẫn (cảnh núi, rừng trúc…). Từ đó, có thể phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp cho cả khách du lịch nội địa và quốc tế. Thôn đã có sự hỗ trợ, cam kết từ chính quyền huyện, xã và doanh nghiệp du lịch trong việc đầu tư, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng phát triển du lịch. Mặt khác, còn tồn tại hạn chế chủ yếu là điều kiện cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận điểm đến còn khó khăn; người dân chưa tham gia vào hoạt động du lịch và sự sẵn sàng tham gia của người dân trong phát triển du lịch cần được tìm hiểu rõ hơn.

Các chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, thôn Lùng Hẩu cần có sự khẳng định và cam kết rõ ràng của các bên trong tham gia phát triển du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch cho điểm đến cần làm trước; cần xây dựng cơ chế hợp tác, đối thoại và quản lý du lịch có hiệu quả cho cả 44 bên: Dự án, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Đối với các điểm đến của huyện Đồng Văn (thôn Giàng Xì Tủng – xã Thài Phìn Tủng và xóm Sảo Há thuộc thôn Khó Chơ – xã Vần Chải, thôn Há Súng – xã Lũng Táo và làng văn hóa du lịch cộng đồng Lũng Cẩm), các chuyên gia đánh giá đây là các điểm đến có tiềm năng phát triển du lịch (văn hóa, sinh thái…). Hoạt động du lịch hầu như chưa phát triển (trừ điểm Lũng Cẩm). Cộng đồng địa phương chưa tham gia vào phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận còn khó khăn hoặc chưa hoàn chỉnh (Lũng Cẩm). Một số điểm đến bắt đầu bị bê tông hóa, kiến trúc truyền thống đang có nguy cơ bị thay đổi.

Trong đó, thôn Giàng Xì Tủng và xóm Sảo Há hiện đã có hỗ trợ của chuyên gia người Nhật trong việc xây dựng kế hoạch xây dựng bảo tàng sống, cần kết hợp tốt với khai thác du lịch. Bên cạnh đó cần nghiên cứu các quy định của pháp luật trong việc xây dựng bảo tàng sống và thu phí vào làng đối với khách tham quan; có kế hoạch quản lý kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp khi có hoạt động du lịch trong trường hợp không cho khách lưu trú tại bản.

Tại buổi Tọa đàm về phát triển du lịch bền vững tại Hà Giang, nhiều nội dung cũng đã được các chuyên gia trong nước và ngoài nước trao đổi cùng lãnh đạo địa phương như: nền tảng đối thoại công tư cấp tỉnh; phương hướng, kế hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2030; phương hướng và hoạt động du lịch bền vững cho hai thôn được lựa chọn; ý tưởng tiếp thị xây dựng thương hiệu; cùng các vấn đề khác của du lịch Hà Giang…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *