(ATI) – Ngày 18/9/2023, Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) đã tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo phát triển du lịch huyện Bạch Thông giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2045.
Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Bạch Thông có sự khởi sắc. Một số lễ hội Lồng tồng thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh vào dịp Tết nguyên đán; hàng ngày có khá đông du khách đến tham quan di tích lịch sử Nà Tu, di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, du lịch sinh thái tại Vằng Áng xã Vi Hương, hồ Thủy điện Thác Giềng tại xã Mỹ Thanh và một số khách du lịch tự khám phá, trải nghiệm tại HTX Thiên An xã Vi Hương, thôn Phiêng An xã Quang Thuận… Những tín hiệu đó bước đầu khẳng định huyện Bạch Thông có tiềm năng, lợi thế có thể phát triển các loại hình du lịch như: du lịch lịch sử – văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân.
Đối với du lịch lịch sử văn hóa, huyện có 28 di tích, trong đó có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia, 08 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, 18 di tích trong danh mục được kiểm kê; có 31 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn đã được kiểm kê (trong đó có 03 di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm múa Bát của người Tày, hát Páo dung của người Dao, Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền xã Đôn Phong; có 02 Lễ hội Lồng tồng được phép khôi phục là Lễ hội lồng tồng Phủ Thông, Lễ hội lồng tồng Hà Vị); về du lịch tâm linh, nền Chùa Hoa Sơn – xã Vi Hương, Đền Slấn Slảnh – thị trấn Phủ Thông được phục dựng sẽ trở thành địa điểm thu hút du khách.
Ngoài ra, Bạch Thông có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các du khách muốn tìm hiểu về cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đặc sắc như: nghề làm phở của thị trấn Phủ Thông, nghề dệt thổ cẩm của HTX Thiên An, các bài thuốc dân gian, tắm thuốc dân tộc cổ truyền, tục cưới hỏi, đầy tháng, tục thờ cúng các thần linh, các món ẩm thực đặc sắc của các dân tộc… có thể khai thác cho loại hình du lịch cộng đồng.
Đối với du lịch sinh thái, huyện có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng, phong phú, độc đáo, có nhiều danh thắng cảnh đẹp như Thác Vằng Áng, Thác Hang Dơi, quần thể thác đầu nguồn suối Thủy Điện và cảnh quan môi trường sinh thái núi Cứu Quốc còn khá nguyên vẹn (xã Vi Hương); thác Tát Xà Mu – Tân Tú; Thác Tát Trạo – Lục Bình; thác Khuổi Cướp, bãi đá Bản Chiêng – Đôn Phong; đập Thủy điện, thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh… là những tài nguyên du lịch có thể khai thác. Ngoài ra, huyện Bạch Thông có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa OCOP…
Tuy vậy, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bạch Thông thời gian qua còn nhiều hạn chế như: chưa khai thác được các tiềm năng tài nguyên du lịch; sản phẩm du lịch còn ít, chưa hấp dẫn du khách; hoạt động du lịch mang tính tự phát, khai thác đơn lẻ, gây lãng phí tiềm năng, tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái, mất an toàn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động du lịch chưa có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Tại Hội thảo, cùng với nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia về du lịch, đại diện Viện Phát triển Du lịch Châu Á – ATI cũng đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm góp phần phát triển du lịch huyện Bạch Thông, giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2045, hướng tới phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng du lịch của huyện Bạch Thông để phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Những nội dung được đề cập tới như: phát triển hạ tầng du lịch; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường sự liên kết chặt chẽ phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa Nhà nước với doanh nghiệp và các hộ kinh doanh du lịch; đảm bảo sinh kế cho người dân…