Du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên miền núi Đại Dực

(ATI) – Mảnh đất Tiên Yên với những cảnh đẹp nên thơ, hữu tình. Bãi cát lòng vàng – nơi có cánh rừng ngập mặn với hệ sinh thái vô cùng trù phú, có bờ cát trải dài với những con sóng nhấp nhô, vỗ nhẹ vào bờ, tạo cảm giác nhẹ nhàng, mê mẩn đến khó tả. Thác Pạc Sủi nơi có con thác hùng vĩ, có độ cao gần 700m so với mặt nước biển, với 16 tầng. Phố đi bộ – nơi có những làn điệu dân ca, những điệu nhảy đường phố, cùng được quay lại tuổi thơ trong các trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan… nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả với tôi đó chính là cảnh đẹp xã vùng cao Đại Dực.

Cảm xúc trước vẻ đẹp nên nhà thơ Minh Đức đã viết:
                          “Về Đại Dực đi em
                           Ta trở về tìm lại tuổi thơ
                           Tháng 6 vùng cao nắng đổ
                            Lũ trẻ dắt trâu, đầu trần đi bộ
                           Lội ngược dòng suối cạn đá chơ vơ”

Đại Dực cách thị trấn Tiên Yên gần 25km, là một xã vùng cao của huyện, nơi đây được thiên nhiên ban tặng một cảnh quan vô cùng thơ mộng và kỳ vĩ, bầu không khí trong lành, mát mẻ được tạo nên từ những con suối, thác nước hung vĩ, những ruộng bậc thang trải dài và những rừng thông rì rào gió hát. Không chỉ đẹp về thiên nhiên, Đại Dực còn nổi tiếng là nơi bảo tồn nguyên vẹn nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Sán Chỉ với rất nhiều phong tục tập quán độc đáo.

Về thiên nhiên

Mùa vàng

Điểm đầu tiên mời các bạn ghé thăm thôn Phài Giác của xã Đại Dực, tại điểm trường nơi tôi dạy học có thể nhìn được toàn cảnh ruộng lúa bậc thang trải dài dưới chân và mây bay trên đỉnh núi cảm giác như lạc vào vùng cổ tích mà mình đã được nghe mẹ kể từ thời xửa thời xưa vậy. Vào mùa xuân, những thửa ruộng phủ xanh màu mạ non mới cấy, ánh nước loang loáng phản chiếu sắc mây trời, từng đàn chim chiền chiện cất cao tiếng hót, bức tranh phài Giác, Đại Dực hiện lên thật yên bình, thanh thản.

Vào mùa lúa chín (khoảng từ tháng 6 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 10 dương lịch), thời gian này những thửa ruộng bậc thang được nhuộm màu vàng óng ả, từng sóng lúa trải dài từ đỉnh đồi xuống tận thung lũng tạo nên một cảnh đẹp vô cùng ấn tượng. Mùa vàng Đại Dực mang vẻ đẹp say đắm lòng người, khiến ai cũng ao ước được một lần tận mắt ngắm nhìn.

Đặc biệt khi đến đây, các bạn sẽ được trải nghiệm cùng bà con gặt lúa và lưu lại những bức hình của khoảnh khắc này. Trên những thửa ruộng lúa nương chín vàng óng ả hình ảnh những người phụ nữ Sán Chỉ xếp hàng gặt lúa, với chiếc áo màu xanh da trời truyền thống nổi bật trên nền vàng của lúa chín tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp mắt. Bà con gặt lúa cười nói râm ran, câu chuyện câu trò mộc mạc, gần gũi, bạn sẽ cảm nhận được tình yêu của bà con đối với mảnh đất nơi đây.

Thác cô Bảy

Đi men theo dòng suối hơn 3km để lên đỉnh thác, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây với những con đường quanh co, uốn lượn bên lưng núi với những ngôi nhà quanh đồi của người dân bản địa, những hồ nước trong xanh và những đàn vịt bơi trên hồ tựa như thiên nga tạo nên khung cảnh tuyệt  đẹp. Lên đến thác cô Bảy, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến con thác hùng vĩ có độ cao gần 200m, với 7 tầng thác nước.

Nhìn từ trên đỉnh Đồi Tình xuống, thác nước Cô Bảy như một dải lụa từ trên cao đổ xuống cùng với núi rừng tạo nên một cảnh tượng thật hùng vĩ, hoang dã đẹp như tranh vẽ, đem lại cảm giác thư thái như được hòa mình cùng với thiên nhiên vậy. Thác Cô Bảy còn rất hoang sơ cần được sự quan tâm của mỗi chúng ta để nơi đây sẽ là điểm khám phá thú vị. Thác Cô Bảy sẽ làm bạn ngỡ ngàng đấy.

Đồi Tình

Không ai biết tên Đồi Tình có từ bao lâu, chỉ biết ngày xưa đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, hẹn hò của những đôi nam nữ của dân tộc Sán Chỉ ở xã. Đồi Tình rộng khoảng 100ha, trải dài trên vùng đất của 3 xã Đại Dực, Đại Thành (huyện Tiên Yên) và xã Húc Động (huyện Bình Liêu). Vào mùa hè cỏ non trên đồi xanh mướt, xen kẽ là những bụi sim, mua hoa nở tím cả một vùng.

Khi leo lên đỉnh đồi Tình, các bạn sẽ cảm thấy trong lòng như vừa đạt được một ước nguyện gì đó như được hòa mình vào với thiên nhiên thơ mộng và tạm quên đi những toan tính đời thường. Theo lời bà con kể, Đồi Tình gắn bó suốt tuổi thanh xuân của nhiều người trong xã, một sân chơi đầy lãng mạn, nơi các chàng trai, cô gái đến đây để hẹn hò hát Soóng Cọ. Với những người Sán Chỉ đã đứng tuổi ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên thì đồi Tình đã một thời gắn bó suốt tuổi thanh niên của họ và là địa danh ai cũng muốn tìm đến khi đang ở tuổi hẹn hò. Đồi Tình giống như “ông Tơ, bà Nguyệt” se duyên hạnh phúc cho nhiều đôi trai gái người Sán Chỉ.

Về con người

Về với Đại Dực chúng ta không chỉ tham quan vẻ đẹp của mùa vàng, Thác Cô Bảy, được trải nghiệm những điều hết sức thú vị ở đồi tình. Về với Đại Dực chúng ta còn được biết và được cảm nhận những nét văn hóa riêng của người dân nơi đây.

                        “Ta trở về tìm lại tuổi thơ
                          Đường vào bản mới tươi màu ngói đỏ
                          Khe Ngàn ơi! Mấy đời lam lũ
                          Mái ngói âm dương, tường đất vẫn còn đây”

Có thể nói Đại Dực là vùng đất mang đậm dấu ấn đặc trưng của đồng bào Sán Chỉ. Về với Đại Dực bạn sẽ thấy kiến trúc đặc trưng còn ghi dấu lại là những nếp nhà đất giản dị với mái ngói âm dương cổ kính cùng những câu đối đỏ được dán trước cửa nhà, chiếc chõng tre hóng mát trước sân nhà hay màu xanh thấp thoáng trong chiếc áo của những cô gái Sán Chỉ, nụ cười xinh nghiêng sau vành khăn nhịt hụi đầy duyên dáng.

Lễ hội văn hóa dân tộc Sán Chỉ

Bên cạnh kiến trúc đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa người Sán Chỉ thì lễ hội văn hóa dân tộc Sán Chỉ là đứa con tinh thần của người dân nơi đây.

           “Nghe đâu đây khúc hát yêu thương
            Câu soóng cọ nghiêng vành khăn nhịt hụi
            Nhớ mùa xuân sán chay mở hội
            Trai gái tung còn, đẩy gậy, hát giao duyên”.

Vào mỗi độ xuân về khi những bông hoa đào đua nhau khoe sắc, Lễ hội của đồng bào dân tộc Sán Chỉ diễn ra vào ngày 13,14 âm lịch. Qua lễ hội, nhiều nét đẹp văn hoá đặc sắc của người dân tộc Sán Chỉ được gìn giữ và phát huy. Lễ hội được diễn ra với 2 phần, đó là phần lễ và phần hội.

Phần lễ với màn múa Cầu Mùa được các thầy cúng lập đàn cầu phúc, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu cho lúa xếp đầy bồ, súc vật đầy chuồng, nhà nhà con cháu thuận hòa, hàng xóm vui vẻ, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước bình an, bà con thôn xóm ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Còn phần hội được diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi với rất nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Sán Chỉ như: hát Soóng cọ (hát đối), đi cà kheo, đánh cầu chinh, đánh gụ, thi đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Cũng trong Lễ hội, mọi người còn được thưởng thức phần thi ẩm thực như: thi giã và nặn bánh dày, thi trưng bày mâm cỗ…

Lễ hội đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới. Lễ hội không chỉ giúp lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chỉ huyện Tiên Yên, mà đây còn là một sân chơi bổ ích để người dân được giao lưu, khích lệ tinh thần của người dân để bắt đầu một năm mới với nhiều may mắn.

Ẩm thực – Sản vật

Đến Đại Dực, các bạn còn được trải nghiệm làng nghề Miến Dong truyền thống. Tháng 9 vào mùa hoa dong nở, đỏ rực nổi trên nền màu xanh tía của chiếc lá dong trưởng thành, đó là lúc người dân chuẩn bị thu hoạch củ dong riềng để làm ra một sản phẩm miến dong đặc sản mang thương hiệu Đại Dực. Sản  phẩm Miến Dong Đại Dực ngon bởi sợi miến dai, có hương vị đặc trưng và hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến. 100% nguyên liệu từ củ dong riềng, bà con ở đây vẫn đùa nhau là sợi miến kéo ô tô.

Để có bát miến dong ngon, chúng ta không thể không chế biến cùng món gà bản. Các bạn đã nghe câu: “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên” chưa? Gà đồi Đại Dực sở dĩ gọi là gà đồi là vì chúng được nuôi thả rong trên các triền đồi để tự túc kiếm ăn từ các loại dế, kiến, mối… Nhờ những thực phẩm thiên nhiên độc đáo ấy mà thịt gà Đại Dực thơm ngon một cách đặc biệt, săn chắc mà vẫn giòn, không dai, béo mà ko ngậy. Hiện nay, Gà đồi Đại Dực nói riêng và Gà đồi Tiên Yên nói chung là một trong những món ăn ngon đã được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện.

Ngoài ra, Đại Dực còn là nơi cung cấp các sản phẩm như: quế, hồi, trám hạt thông, gừng bản, mật ong rừng, lúa nương, rượu khoai…

Đại Dực là một vùng núi vô cùng ấn tượng nơi đây luôn chào đón du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ, níu chân du khách bằng sự chân tình, mộc mạc, đằm thắm, vậy còn chần chờ gì nữa các bạn hãy đến với Đại Dực – nơi tình yêu không giới hạn để khám phá và trải nghiệm, tôi tin chắc rằng mỗi chúng ta sẽ có những niềm vui mới, những trải nghiệm mới, chúng tôi những người dân Xã Đại Dực – Huyện Tiên Yên luôn luôn chào đón tất cả các bạn.

Lê Thị Bích Hạnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *